Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ về quan điểm không đặt nặng doanh thu phim

Rate this post

TP HCMĐạo diễn Đặng Nhật Minh, 85 tuổi, nói làm phim để giãi bày tâm sự nên không áp lực doanh thu.

Đặng Nhật Minh và hơn 300 khán giả dự buổi chiếu tác phẩm cuối cùng của ông – Hoa nhài (2022) – trong khuôn khổ chương trình Bây giờ đã đến tháng Mười, tối 29/10. Khi được hỏi ông trông đợi gì về việc sản xuất và phát hành phim, Đặng Nhật Minh đáp: “Tôi làm phim cho bản thân và không quan tâm đến lợi nhuận. Cuối đời tôi chẳng còn ham gì nữa. Doanh thu trăm tỷ chẳng để làm gì, làm điều mình muốn mới là sướng nhất”.

Đặng Nhật Minh nói về quan niệm làm phim

Đặng Nhật Minh nói về quan niệm làm phim, hôm 29/10. Video: Quế Chi

Theo Đặng Nhật Minh, lúc nhà sản xuất Lê Cẩm Tế ngỏ lời làm dự án năm 2019, bà chỉ có một yêu cầu: Đạo diễn tự do làm điều mình muốn, không cần bàn đến doanh thu. Vì thế, ông thực hiện dự án để thỏa mãn tình yêu điện ảnh, đồng thời thể hiện góc nhìn về cuộc sống. Đó cũng là đích đến Đặng Nhật Minh phấn đấu trên con đường nghệ thuật.

Nghệ sĩ nói lúc sáng tạo, ông không quan tâm thị hiếu khán giả mà chỉ tập trung viết kịch bản, nghĩ về tình cảm của mình dành cho Hà Nội. Tác phẩm của ông không nói những chuyện ly kỳ, éo le mà xoay quanh điều ai cũng có thể quan sát. Ở tuổi ngoài 80, nghệ sĩ muốn dự án có cách kể chuyện đơn giản hơn các tác phẩm trước đó, đồng thời không bị gói gọn trong cấu trúc kịch bản. Đặng Nhật Minh cho rằng phim của ông có mâu thuẫn nhưng được triệt tiêu kịch tính, đồng thời ông bỏ lửng nhiều chỗ trong tác phẩm để khán giả có không gian chiêm nghiệm thông điệp.

Đặng Nhật Minh quan niệm ông không tạo ra ngôn ngữ điện ảnh mà chọn chất liệu có sẵn, thích hợp với phim của mình. Đạo diễn luôn chú ý đến các chi tiết, cho rằng nội dung phim xuất phát từ những sự việc nhỏ kết hợp với nhau để tạo thành câu chuyện lớn. “Tôi kể những điều mình quan tâm trong cuộc sống, làm sao để khán giả cảm động và khiến họ suy ngẫm sau khi xem”, Đặng Nhật Minh nói.

Hoa nhài chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên do nghệ sĩ sáng tác, xoay quanh mối quan hệ của những người sống và mưu sinh tại Hà Nội. Đạo diễn lấy cảm hứng làm phim từ câu ca dao: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Ở phố Lò Đúc (Hà Nội) – nơi đạo diễn ở, ông thường quan sát các nhân vật thuộc tầng lớp lao động như thợ cắt tóc, người đánh giày, bà hàng nước. Nếp sinh hoạt của họ lặp đi lặp lại, nhưng ông cảm nhận được vẻ đẹp bên trong những việc làm ấy. Đặng Nhật Minh đi sâu vào việc mô tả thân phận con người, nhằm tôn vinh đức tính người Việt.

Ngoài chia sẻ quan niệm về điện ảnh, ông cho rằng phim ảnh sẽ có sức sống lâu dài nhờ sự quan tâm của khán giả. Đạo diễn còn kể câu chuyện khi ông đến thăm Thư viện phim Fukuoka (Nhật Bản), giám đốc thư viện đưa ông đến kho lưu trữ – nơi có 60 phim của Việt Nam – và nói chất lượng hình ảnh của những tác phẩm này vẫn tốt cho đến 400 năm sau.

Lúc đó, Đặng Nhật Minh vui khi nghĩ đến việc tác phẩm của mình vẫn còn tiếp tục được chiếu cho thế hệ sau. “Việc làm này giúp kéo dài ký ức của khán giả về điện ảnh, để các bộ phim không bị rơi vào quên lãng”, nghệ sĩ nói.





Khán giả giao lưu với đạo diễn Đặng Nhật Minh hôm 30/10. Ảnh: Diệu Linh

Khán giả giao lưu với đạo diễn Đặng Nhật Minh hôm 30/10. Ảnh: Diệu Linh

Đặng Nhật Minh sinh năm 1938, là con trai của giáo sư Đặng Văn Ngữ. Ông được vinh danh tại nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: giải Thành tựu trọn đời vì những cống hiến xuất sắc cho điện ảnh châu Á tại Liên hoan phim quốc tế Gwangju 2005, Giải thưởng Điện ảnh Hòa bình Kim Daejung năm 2013.

Ông được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân năm 1993 và nhận Huân chương Lao động hạng nhất năm 1998. Năm 2007, đạo diễn nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác phẩm: Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng Mười, Hà Nội mùa đông năm 46 Mùa ổi. Ông từng là chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam.

Quế Chi