Phim 18+ “Người vợ cuối cùng” của Victor Vũ kể thân phận vợ lẽ thời phong kiến với bối cảnh đầu tư nhưng kịch bản kém đột phá.
* Bài tiết lộ một phần nội dung phim
Ra rạp ngày 3/11, tác phẩm đánh dấu sự trở lại dòng phim cổ trang của Victor Vũ sau 11 năm, kể từ Thiên mệnh anh hùng (2012). Với phim mới, đạo diễn Việt kiều theo đuổi thể loại tâm lý, tình cảm pha màu sắc trinh thám.
Kịch bản được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Hồ oán hận (tác giả Hồng Thái), thay đổi nhiều tình tiết quan trọng. Mào đầu với lời tâm sự của nhân vật chính – Linh (Kaity Nguyễn), đạo diễn hé lộ thân phận thiếu nữ nhà nghèo, bị gả cho quan tri huyện (Quang Thắng). Về làm vợ lẽ nhà giàu, Linh sống trong tủi nhục khi bị vợ cả (Kim Oanh) chì chiết, đối xử như người ở. Cô bị ép đẻ con trai song chỉ sinh được một con gái.
Sau bảy năm sống cam chịu, Linh tình cờ gặp lại Nhân (Thuận Nguyễn) – mối tình đầu một thuở – giữa phiên chợ. Cảm xúc trỗi dậy, đôi nhân vật cuốn vào nhau trong cuộc tình vụng trộm, kéo theo chuỗi bi kịch.
Tác phẩm phát huy thế mạnh của Victor Vũ với phần bối cảnh được dàn dựng kỹ lưỡng. Mở đầu bằng đại cảnh tại hồ Ba Bể (Bắc Kạn), phim dẫn dắt người xem về bối cảnh thế kỷ 19 ở một làng quê Bắc bộ. Đạo diễn chọn nhiều cú máy flycam giàu tính thẩm mỹ, phác họa vẻ đẹp sơn thủy hữu tình – phong cách quen thuộc trong các phim trước của anh, như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Nhiều phân đoạn đi sâu vào đời sống dân làng thời phong kiến, thể hiện rõ sự dụng công của đạo diễn trong khâu thiết kế mỹ thuật. Nét văn hóa xưa được cài cắm trong cảnh đầu tiên khi Linh xuất giá về nhà chồng. Nhà dân nghèo được dựng lên bằng tre nứa, lợp mái lá, đối lập với biệt phủ xa hoa, kín cổng cao tưởng của quan tri huyện. Những phụ nữ mặc áo tứ thân, đội nón quai thao dự hội hè, xem múa rối nước. Cảnh phiên chợ giữa làng, người dân buôn thúng bán bưng được tái hiện tốt với không khí tấp nập, giàu sức sống.
Trang phục có lúc trở thành phương thức đạo diễn ví von cho thân phận, tính cách của nhân vật. Mợ Cả mặc áo dài hoa văn cầu kỳ, gam màu nóng, thể hiện quyền lực của nhân vật trong gia đình lẫn tính xảo quyệt, cay độc. Linh chủ yếu diện đồ màu nhạt, ít họa tiết, ngụ ý con người cam chịu, xuất thân thấp kém.
Dài hơn hai giờ, kịch bản dàn trải, thiếu điểm nhấn với môtíp cũ. Thân phận người vợ lẽ thời xưa vốn là đề tài được khai thác trên phim truyền hình lẫn điện ảnh, tuy nhiên lối kể chuyện, dẫn dắt của Victor Vũ không tạo được đột phá.
Xem suất chiếu sớm tối 2/11, khán giả Trần Gia Tiến (TP HCM) đánh giá kịch bản còn đơn giản, cách triển khai của đạo diễn khá hiền, kém kịch tính so với tiểu thuyết. “Tôi tiếc cho nội dung của phim. Tác phẩm sẽ cuốn hút hơn nhiều nếu chuyển thể từ truyện gốc, khai thác trọn vẹn màn điều tra, đấu trí trong sách, thay vì chỉ lấy cảm hứng”, khán giả này cho biết.
Nửa đầu thời lượng, tác phẩm có tiết tấu chậm, chủ yếu xoay quanh câu chuyện chính của Linh khi làm dâu nhà quan và mối tình vụng trộm cùng Nhân. Thủ pháp dựng phim đan xen hồi tưởng hiện tại, quá khứ, từ đó giúp khán giả hình dung bi kịch của Linh, Nhân – đôi trai gái phải sống xa nhau vì những trói buộc thời phong kiến.
Đạo diễn tập trung vào cảnh “nóng” của cặp tình nhân trong căn nhà mái lá, khắc họa sự đối lập giữa hai mối quan hệ. Với quan tri huyện, Linh luôn bị giày vò như một công cụ giúp ông sinh con, nối dõi tông đường. Với Nhân, Linh được nâng niu, trân trọng khi anh hôn lên những vết thương bị hành hạ trên cơ thể cô.
Sang nửa cuối, phim mới tạo được kịch tính sau cái chết đột ngột của một nhân vật. Lúc này, tác phẩm chuyển màu sắc trinh thám với sự xuất hiện của Kiên – quan tra án (Quốc Huy). Victor Vũ chứng tỏ sở trường khi xây dựng thành công không khí rùng rợn xoay quanh tình tiết Kiên phá án, gợi nhớ màu sắc tương tự trong các phim anh từng thành danh, như Scandal, Quả tim máu.
Lời thoại là điểm yếu khác của phim. Ở nhiều phân đoạn, cách đôi nhân vật trao đổi còn đậm lối văn viết, chưa thể hiện chất đời thường.
Sau khi phim công chiếu, trên mạng xã hội, nhiều khán giả cho rằng việc phim lấy bối cảnh Bắc bộ nhưng nhiều nhân vật – trong đó có vai chính – nói giọng Nam là “sạn” lớn.
Victor Vũ cho biết phim ngầm giải thích việc Linh nói giọng Nam bằng tình tiết mẹ cô là người gốc miền Nam. Anh chấp nhận phim có thể gây tranh cãi vì không muốn sử dụng lồng tiếng, làm giảm hiệu ứng cảm xúc khi lên hình. Theo đạo diễn, giọng vùng miền là vấn đề chung của ngành phim, bởi khó tìm được diễn viên địa phương phù hợp câu chuyện mà vẫn đảm bảo các yếu tố danh tiếng, ngoại hình, diễn xuất, độ hợp vai.
Trong dàn diễn viên, Kaity Nguyễn bật lên nhờ được dành tối đa thời lượng, xuất hiện từ đầu đến cuối. Cô khắc họa sinh động hình ảnh thiếu nữ đôi mươi, vô ưu với tình cảm đầu đời bên Nhân, đến khi sa chân vào nhà quan, chịu kiếp đày đọa. Ở nhiều phân cảnh, đạo diễn tập trung vào đôi mắt nhiều u uẩn của nhân vật. Góc máy có lúc lấy cận khuôn mặt Linh vô cảm, chết lặng trong cảnh chăn gối cùng quan tri huyện, hay khi bị buộc chân vào chiếc thòng lọng treo giữa nhà.
Ở tuyến phụ, Kiên của Quốc Huy tạo ấn tượng nhờ lối diễn sắc sảo, gọn gàng. Vai quan tra án chiếm cảm tình khán giả nhờ diễn viên khắc họa tốt chân dung một tri thức trong thời xưa, thông thái, quyết đoán, hành xử nhân văn. Dàn còn lại – như Quang Thắng, Kim Oanh – chủ yếu dừng ở mức tròn vai.
Mai Nhật