Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về tình trạng phim nước ngoài lấn át phim Việt cả trên sóng truyền hình lẫn ngoài rạp.
Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, sáng 22/12 ở Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu về tình hình phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam, những tồn tại và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Ở phần phân tích khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng cho rằng nội dung, hình thức của các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa trong nước hiện nay còn hạn chế (thiếu những sản phẩm, tác phẩm lớn, phản ánh hơi thở, sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước, một số tác phẩm có biểu hiện lệch chuẩn), dễ bị tác động bởi yếu tố bên ngoài như kinh tế, dịch bệnh.
Ông dẫn chứng ở lĩnh vực phim ảnh, tác phẩm của quốc tế hiện giữ ưu thế, chiếm tới 70% số suất chiếu ở rạp, các kênh truyền hình cũng chủ yếu chiếu phim ngoại. “Tôi xót ruột khi cứ mở tivi là thấy phim nước ngoài”, Thủ tướng nói. Lãnh đạo cũng cho rằng cần đầu tư làm các bộ phim có giá trị, đi vào lòng người, nhờ đó mới có thể thu hồi vốn nhanh.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Minh Hoan nói về ảnh hưởng của sức mạnh văn hóa đối với kinh tế, nông nghiệp, du lịch, cụ thể là nền phim ảnh. Ông đưa ra ví dụ về cách Hàn Quốc quảng bá sản phẩm, dịch vụ thông qua nhiều phim truyền hình.
Theo ông Hoan, trường quay Bản tình ca mùa đông ở đảo Nami hay phim trường Nàng Dae Jang Geum đều trở thành các điểm du lịch nổi tiếng. Ông Hoan phân tích mỗi phim truyền hình Hàn Quốc quảng cáo trung bình khoảng 57 sản phẩm, bao gồm đồ nội thất, mỹ phẩm, công nghệ, một cách khéo léo. Trong khi đó, nhà sản xuất Việt Nam thường chạy dòng cảm ơn ở cuối nhưng không ai quan tâm.
Ông Hoan khẳng định đã đến lúc phải định vị lại tính giải trí khi làm công nghiệp văn hóa, coi văn hóa là yếu tố thúc đẩy bán hàng. Người Hàn Quốc đã đưa ra một khái niệm mới là nông nghiệp giải trí, ghép nông nghiệp và giải trí trở thành một thuật ngữ, một sản phẩm mang lại giá trị thương mại đặc sắc.
“Gần đây, tỉnh Phú Yên sử dụng phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh để làm thương hiệu du lịch, tương đối thành công. Nếu người Cà Mau lấy Đất rừng phương Nam để quảng bá, tôi nghĩ mọi thứ sẽ dễ hình dung hơn. Đây chính là sức mạnh của văn hóa”, ông Hoan nói.
Đại diện khối doanh nghiệp, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc hãng BHD bày tỏ mong muốn được Nhà nước hỗ trợ, tạo hành lang thuận lợi trong quá trình sản xuất phim. Bà Hạnh lấy ví dụ việc quay một cảnh phim đơn giản ở Bờ Hồ (Hà Nội), doanh nghiệp phải có khoảng năm, bảy loại giấy phép, được cấp bởi các cơ quan khác nhau như Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố, Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố, Công ty Công viên cây xanh. Trong một ngày, nếu đoàn làm phim quay ở ba địa điểm, mỗi nơi đều cần từng ấy thủ tục.
Bà Hạnh cũng đề xuất xây dựng thêm rạp chiếu phim, phim trường. Rạp chiếu phim cần được giảm giá hoặc những địa điểm hơi xa thì được miễn, giảm tiền thuê đất, giảm tiền điện nước. Bà Hạnh phân tích khi BHD thuê rạp ở các trung tâm thương mại gặp nhiều khó khăn, do phải cạnh tranh với nhiều lĩnh vực dễ thu lời hơn.
Ngoài ra, bà Hạnh nêu ý kiến khơi thông vốn vay cho văn hóa. “Sản phẩm văn hóa là tài sản trí tuệ nhưng không thể mang ra vay vốn ngân hàng. Rất mong Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp văn hóa được vay với lãi suất như lãi suất như cho vay nông nghiệp. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm các vấn đề bản quyền. Ăn trộm một cái xe máy có thể đi tù nhưng quay trộm, phát sóng một bộ phim 30-40 tỷ đồng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính”, bà Hạnh nói.
Trong lần đầu tổ chức, hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, có sự tham gia của nhiều cơ quan như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo các hội, hiệp hội, tổ chức, đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến văn hóa và các chuyên gia, nghệ sĩ.
Tại sự kiện, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã báo cáo về thực tế phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, cho biết Việt Nam đang là quốc gia tầm trung ở các lĩnh vực này và còn nhiều dư địa phát triển. Đại diện các cơ quan như Bộ Tài chính, Bộ Thông tin Truyền thông, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nhà nước, nghệ sĩ đóng góp ý kiến, tham luận.
Hà Thu