Phân tích về thủy trấn và tầm quan trọng trong phong thủy địa lý

Rate this post

Thủy trấn trong phong thủy địa lý
Thủy trấn trong phong thủy địa lý

Nhiều người đầu tư không ít tiền để “trấn phong thủy địa lý” với mục đích vượng quan lộc, tài lộc và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, có giải pháp trấn không tốn tiền là Thủy trấn.

Thủy trấn không tốn kém

Hiện nay, khi người ta xây dựng một dự án hay đơn giản một ngôi nhà, thường hay đi mua các loại đá phong thủy để trấn ở các phương vị khác nhau, hoặc đơn giản là mua bột đá Thạch Anh về dải. Đây cũng là một giải pháp thuộc Thổ trấn trong ngũ hành để trấn.

Với giải pháp dùng đá phong thủy để trấn, người ta thường thấy giá trị hơn, bởi bỏ ra nhiều tiền mua đá và hình thành tâm lý yên tâm hơn. Đá ngoài việc tác dụng về phong thủy, còn có giá trị trưng bày, trang trí, hay thể hiện gu thẩm mỹ và tài chính của gia chủ.

Tuy nhiên, có những thứ trong phong thủy có tác dụng rất lớn, nhưng có khi chẳng tốn tiền, đó là Thủy trấn. Bởi nhà nào cũng sẵn có nước, thậm chí, nơi tụ thủy ngoài trời còn được cấp bởi nước mưa, nên không tốn tiền.

Hơn nữa, trong phong thủy có một mệnh đề cũng là chân lý, đó là “sơn quản nhân đinh, thủy quản tài vận”, một cách hiểu đơn giản là muốn vượng về nhân đinh thì phải dùng Thổ trấn, muốn vượng về tài vận phải dùng Thủy trấn.

Vậy Thủy trấn được phân chia như thế nào?

Đối với Dương trạch, tức với các công trình và nhà ở, khi nói về Thủy trấn, thì được phân thành hai phần là ngoại và nội cục. Ngoại cục gồm những nơi tụ thủy hiện có, từ biển, sông, hồ, ao, đài phun nước, bể cá cảnh… Còn nội cục thuộc về thủy trấn trong một công trình, bao gồm bể cá cảnh, bồn nước mái, bể nước ngầm, bể phốt, vòi nước rửa, thậm chí, cây nước nóng lạnh và bình chứa nước uống cũng được xếp vào Thủy trấn…

Đối với Âm trạch, với phần mộ, chẳng ai đặt thêm Thủy trong tiểu hay trong ngôi mộ. Vì vậy, nó không có trấn về thủy ở trong nội cục, mà chỉ có ở ngoại cục. Về nguyên lý, tính phong thủy của Dương trạch và Âm trạch phần lớn giống nhau, nhưng vẫn có những pháp khác nhau chia ứng dụng cho Âm và Dương. Ngoài ra, có một phần khác biệt là do trình độ cao thấp, hoặc quan điểm của các thầy phong thủy có khác nhau một chút.

Đối với thủy ở ngoại cục là biển, hồ, sông hay ao đã tồn tại sẵn và thuộc về khách quan, tự nhiên, thì chúng ta không thể nào thay đổi được. Vì vậy, khi tính toán phong thủy cho một ngôi nhà hoặc mộ, chúng ta phải phụ thuộc và tuân theo thủy của địa thế hiện có mà đặt. Còn đối với phong thủy nội cục cho một công trình là phải được án ngữ đặt, điều tiết theo bản vẽ thiết kế kiến trúc ngay từ giai đoạn đầu.

Trấn Thủy ngoại cục

Nói đến trấn Thủy ở ngoại cục, rất phức tạp, bởi liên đới chặt chẽ đến phong thủy Loan đầu. Ngoài ra, còn liên quan đến cả phần Long mạch và những kiến thức đó không thể nào diễn giải hết trong khuôn khổ một bài báo. Trong bài này, chúng ta làm rõ về giá trị của Thủy trấn và phân tích kỹ liên quan đến một công trình mà điển hình là nhà ở.

Có một số quan điểm cứng nhắc là Thủy thường được đặt bên Thanh Long và không đặt bên Bạch Hổ, tương tự thì cửa vào nhà đặt bên Thanh Long, chứ không đặt cửa chính bên Bạch Hổ. Điều này không chuẩn, mà phải căn cứ đầy đủ theo 8 hướng + 24 sơn + 72 long mà trấn Thủy hay trấn Thổ hoặc trấn Mộc…

Đối với nhà mặt phố chỉ có 1 mặt tiền, đương nhiên bể nước ngầm, bể phốt phải đặt ở trong khuôn viên nhà. Vì vậy, khi thiết kế kiến trúc phong thủy phải tính toán và tìm vị trí chuẩn khớp về phong thủy ngay từ giai đoạn ban đầu. Nhiều người có quan điểm, trung cung của ngôi nhà không được đặt bể phốt, tránh sự uế tạp. Ngoài quan điểm đó ra, thì còn nguyên nhân nữa, là trung cung của ngôi nhà có ngũ hành là Thổ, mà đặt bể phốt là Thủy vào đó và lại là Thủy không sạch, nên ảnh hưởng xấu về phong thủy. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể tránh được, bởi kích thước, hình dạng nhà ở các khu đô thị đa dạng, nhưng khi rơi vào trường hợp bắt buộc thì thầy phong thủy phải có phương pháp hóa giải triệt để cho gia chủ.

Có trường hợp bể phốt nằm ngay giữa mặt tiền ngôi nhà. Đối với trường hợp này, nhiều người làm ứng dụng phong thủy theo Bát trạch, ngoài việc cho bể phốt vào cung xấu, thì vệ sinh cũng đặt vào cung xấu. Trên thực tế, đã có những trường hợp ở nhà hướng tuyệt mệnh – họa họa – ngũ quỷ, và rồi thầy phong thủy chỉ định để vệ sinh trên tầng 2, 3, 4 lại đặt ra phía mặt tiền, chiếm gần hết chiều rộng ban công. Như vậy, thành ra đi vào nhà thì ở dưới vệ sinh, trên bể phốt, những thứ uế tạp của ngôi nhà lại mang ra ngay phía trước để bày. Về mặt người Dương trần đi vào nhà có thể không để ý, hoặc khách đến không biết, nhưng về mặt tâm linh, thì các Quan Thần Linh cũng bị đi ra vào ở dưới vệ sinh, thì nhà đó không bao giờ có thế vượng được.

Trấn Thủy nội cục

Đối với một ngôi nhà, nội cục thuộc về Thủy trấn trong một công trình bao gồm bể cá cảnh, bồn nước mái, bể nước ngầm, bể phốt, vòi nước rửa, thậm chí, cây nước nóng lạnh, bình nước cũng được xếp vào Thủy trấn… Trong trường hợp thủy bị đặt vào phương vị không đúng, thì nhà đó luôn phải hao nhiều tiền, bởi tất cả đều là nơi có thủy động, thủy quản tài vận, nên thủy đặt phương vị xấu thì hao tài.

Đối với nhà có thế cục phong thủy tổng thể vượng, thì sẽ rơi vào trường hợp kiếm lắm tiêu nhiều. Đối với nhà có thế cục phong thủy không vượng, lại đặt sai các hạng mục liên quan đến thủy, thì sẽ rơi vào trường hợp đã không làm ra tiền nhưng lại chi nhiều.

Cho nên, có những người mệnh số tốt và phong thủy ở cơ quan tốt, làm ra nhiều tiền, nhưng lại không tích, không giữ được tiền. Đó chính là ví dụ về người có khả năng đánh bắt cá là mệnh số rất tốt, lưới đánh bắt cá là phong thủy cơ quan tốt, nhưng cái giỏ chứa cá là cái nhà bị thủng, nên bắt nhiều vẫn cứ không thấy giỏ đầy.

Từ những phân tích trên, chúng ta thấy rằng, việc thiết kế kiến trúc, công năng cho một ngôi nhà là phải tính toán phong thủy ngay từ giai đoạn đầu, để chọn được dữ liệu đầu tiên là cửa chính, vị trí đặt bếp, giường ngủ, ban thờ. Từ đó, chọn được các vị trí để đặt bể cá cảnh, bồn nước mái, bể nước ngầm, bể phốt, vệ sinh… Bồn nước mái không được đặt trên nóc ban thờ, bếp không được đặt trên bể nước và bể phốt, phòng vệ sinh không đặt trên bếp… Kết hợp với phần kiến trúc công năng khác của ngô nhà như cầu thang, thang bộ, máy, giếng trời, từ đó cho ra dữ liệu bắt buộc và là đề bài để yêu cầu thiết kế. Lúc đó, khi lên bản vẽ thiết kế công năng các tầng sẽ đảm bảo được yêu cầu về phong thủy và không bị bất cập về mặt kiến trúc.

Báo Đầu tư bất động sản

Theo dõi nhận tin mới và gửi yêu cầu hỗ trợ
TIKTOK | ZALO | TELEGRAM
| FACEBOOK
Đóng góp nội dung, tài liệu liên hệ Zalo 0813.830.830 và nếu thấy nội dung này hữu ích xin hãy chia sẻ.