Flightradar24 được thành lập năm 2006 bởi hai chuyên gia hàng không người Thụy Điển. Hệ thống hiện có hơn 10.000 trạm thu đang hoạt động và cung cấp cả giao diện web, iOS và Android. Bản thu phí có giá từ 1,49 USD tới 3,99 USD.
Trên thế giới hiện có hàng triệu website chuyên theo dõi chuyến bay. Tuy nhiên, hầu hết chúng có độ trễ nhất định về thời gian, kể cả đối với website của hãng bay do sử dụng công nghệ radar cũ và độ chính xác không cao.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, vấn đề còn nằm ở nguồn dữ liệu. Theo quy định, dữ liệu theo dõi được lấy từ website sân bay và lịch trình bay, nhưng không thể xem theo thời gian thực. Nguyên nhân là do nhân viên cập nhật trạng thái không kịp thời, thậm chí nhiều trường hợp nhập thủ công nên thiếu chính xác và độ trễ cao.
Chẳng hạn, một chuyến bay trên website có thể ở trạng thái “Đã khởi hành”, nhưng thực tế vẫn nằm trên mặt đất do phải xếp hàng đợi bay. Vào giờ cao điểm, thời gian chênh lệch có thể tới 40 phút.
Nhận dữ liệu trực tiếp từ máy bay
Nhưng những website như Flightradar24, FlightAware, Planefinder… có cách tiếp cận khác: nhận dữ liệu trực tiếp từ máy bay. Để làm điều này, họ sử dụng hệ thống giám sát độc lập Automatic Dependent Surveillance-Broadcast, tức ADS-B, hiện có trên hầu hết các máy bay hiện đại.
ADS-B là hệ thống tương đối phức tạp và tinh vi, cho phép phi công nhận thông tin cập nhật thời tiết và địa hình thời gian thực. Bên cạnh đó, nó cũng có nhiệm vụ gửi vị trí thông qua GPS từ vệ tinh, tốc độ, độ cao, model máy bay và số hiệu chuyến bay. Đây chính là dữ liệu mà website chuyên theo dõi máy bay cần.
Ban đầu, ADS-B chủ yếu thiết kế để các nhân viên điều phối xác định vị trí của máy bay với độ chính xác cao hơn nhiều so với radar dùng sóng vi mô cũ. Hệ thống này hỗ trợ phi công có thể xác định được tình hình các máy bay đang bay.
Dữ liệu máy bay truyền đi cũng bao gồm “squawk”, hay mã phản hồi. Mã này có thể dùng để chuyển thông tin được mã hóa, chẳng hạn 7700 trong trường hợp khẩn cấp hoặc 7500 trong trường hợp bị tấn công. Do đó, bất kỳ tình huống bất ngờ nào cũng hoàn toàn có thể theo dõi được.
Phía dưới mặt đất là một hệ thống khác, gồm các cột thu sóng và hộp giải mã RTL-SDR. Dữ liệu truyền đi thông qua sóng vô tuyến không mã hóa ở tần số 1.090 MHz với tốc độ khoảng một Mb/giây. Sau mỗi năm giây, dữ liệu sẽ được gửi từ máy bay xuống mặt đất. Tại đây, hệ thống máy tính sẽ phân tích và xác định máy bay đang ở đâu.
Flightradar24 hiện sở hữu hơn 25.000 trạm thu ADS-B trên thế giới, được đặt ở các đỉnh tháp hoặc nóc nhà của các tình nguyện viên. Công ty cho biết họ gửi đi hàng chục hộp thu tín hiệu, ăng-ten và dây cáp cho tình nguyện viên mỗi tuần.
Do dữ liệu truyền về không được mã hóa, bất cứ người nào cũng có thể theo dõi máy bay đang hoạt động, chỉ cần am hiểu một chút về sóng radio để dò sóng có dải tần 1.090 MHz và lắp ráp máy thu vô tuyến đơn giản. Dễ hơn, người dùng có thể mua thiết bị thu ADS-B trên các trang thương mại điện tử với giá 10-20 USD, cài đặt trình điều khiển và kết nối với máy tính. Lúc này, họ có thể chọn trở thành tình nguyện viên.
Dữ liệu từ hàng nghìn máy thu trên khắp hành tinh được truyền đến máy chủ của các website như Flightradar24 theo thời gian thực, do đó việc xác định vị trí máy bay có độ chính xác rất cao. Kể cả khi một trạm mất kết nối Internet, trạm khác sẽ bổ sung thông tin vào phần còn thiếu, do độ bao phủ của trạm trong bán kính tới 250-450 km.
Phần còn lại chỉ là giao diện hiển thị. Người dùng có thể theo dõi qua nền web hoặc ứng dụng di động. Flightradar24 cho biết đã phủ sóng toàn bộ không phận Mỹ và châu Âu ở độ cao trên 9.000 mét, trong khi các khu vực xa xôi khác ít hơn.
ADS-B được xem là công nghệ theo dõi máy bay mới, thay cho hệ thống radar hiện có mà các trạm kiểm soát không lưu (ATC) đang sử dụng. Nó cũng có thể kết hợp với các công nghệ theo dõi chuyến bay khác như hệ thống giám sát đa điểm (Multilateration – MLAT) để tăng độ chính xác.
Ngoài ra, việc theo dõi có thể được thực hiện qua mạng lưới vệ tinh rộng khắp. Vệ tinh có thể khắc phục được các nhược điểm của ADS-B, chẳng hạn ở vùng sâu vùng xa, biển đảo…
Những website, ứng dụng theo dõi hành trình bay tương tự
FlightAware: Ra mắt năm 2005, đây là dịch vụ đầu tiên cung cấp miễn phí việc theo dõi chuyến bay. Tuy nhiên, phải đến 2013, dữ liệu được thu thập bởi ADS-B mới được hiển thị. Hệ thống cũng có hơn 10.000 máy thu đang hoạt động. FlightAware được đánh giá có thiết kế không trực quan như Flightradar24 nhưng nhiều tính năng hơn. Ngoài bản miễn phí, ứng dụng có bản thu phí từ 20 USD.
Planefinder: Hệ thống của dịch vụ này hiện có khoảng 2.000 trạm thu đang hoạt động. So với hai nền tảng trên, Planefinder cung cấp nhiều tính năng hơn ở bản miễn phí. Bản thu phí ứng dụng có giá từ 5,99 USD.
OpenSky Network: Mạng này được tạo bởi các nhà khoa học Thụy Sĩ vào năm 2012. Dữ liệu thu thập được cung cấp cho mục đích nghiên cứu, không thương mại. Hiện hệ thống của OpenSky có hơn 500 máy thu đang hoạt động.
Theo Vnexpress.net ↵
Theo dõi nhận tin mới và gửi yêu cầu hỗ trợ
TIKTOK | ZALO | TELEGRAM | FACEBOOK
Đóng góp nội dung, tài liệu liên hệ Zalo 0813.830.830 và nếu thấy nội dung này hữu ích xin hãy chia sẻ.